Nhu cầu chứng minh tài chính xin visa du học, du lịch, định cư tại các quốc gia phát triển ngày càng phổ biến. Nắm bắt xu hướng này, không ít các dịch vụ chứng minh tài chính “siêu tốc”, “bao đậu” ra đời, vẽ ra viễn cảnh dễ dàng với chi phí “hạt dẻ” cho người có nhu cầu.

Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo có cánh là những cạm bẫy đầy rủi ro. Người sử dụng dịch vụ không chỉ có nguy cơ mất tiền oan, bị lừa đảo, mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn.

Lối tắt cho hồ sơ xin visa yếu

Năm 2024, hộ chiếu Việt Nam tụt hạng xuống vị trí 92/199 trong bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu toàn cầu (theo Henley Passport Index), đồng nghĩa công dân Việt Nam khi xin visa đến các quốc gia phát triển phải trải qua quy trình xét duyệt, thẩm định khả năng tài chính khắt khe hơn.

Giấc mơ xuất ngoại trở nên xa vời đối với nhóm lao động có thu nhập thấp hoặc khó chứng minh công việc như freelancer, tiểu thương, nông dân,…

Trong bối cảnh như vậy, dịch vụ chứng minh tài chính nổi lên như một “phao cứu sinh”, thắp lên hy vọng cho những hồ sơ xin visa còn yếu.

bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu các nước đông nam á 2024

Bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu các nước Đông Nam Á 2024

Đại sứ quán có bật “đèn xanh” cho dịch vụ chứng minh tài chính?

Dịch vụ chứng minh tài chính là loại hình dịch vụ hỗ trợ người xin visa chứng minh khả năng tài chính của mình, nhằm đáp ứng yêu cầu của Đại sứ quán/Lãnh sự quán.

Các hình thức hỗ trợ chính:

1. Mở sổ tiết kiệm/xác nhận số dư tài khoản ảo

Làm sổ tiết kiệm giả hoặc chuyển tiền vào tài khoản giúp người xin visa lấy được giấy xác nhận số dư sổ tiết kiệm/tài khoản, sau đó rút tiền ra.

2. Dịch vụ chứng minh công việc ảo

Làm giả toàn bộ hồ sơ công việc hoặc nuôi hồ sơ công việc ảo, tức là sử dụng danh nghĩa công ty thật làm hồ sơ, nhận lương qua tài khoản và đóng bảo hiểm hàng tháng. Hồ sơ gồm:

  • Hợp đồng lao động, xác nhận công tác
  • Làm đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh
  • Sao kê lương
  • Xác nhận lương 3 tháng, 6 tháng
  • Giấy xin nghỉ phép
  • Quyết định bổ nhiệm
  • BHXH, BHYT

3. Chứng minh tài sản

Bổ sung tài sản nhà, đất, oto… bằng hợp đồng sang nhượng, giấy tờ sở hữu giả. Một số bên còn nhận làm hồ sơ lý lịch giả: Sơ yếu lý lịch, xác nhận độc thân, giấy kết hôn, CCCD, bằng cấp, chứng chỉ nghề…

4. Tư vấn chuyên môn

Chuẩn bị hồ sơ, hỗ trợ giải trình các trường hợp khó chứng minh tài chính.

Đại sứ quán/Lãnh sự quán cho phép đương đơn sử dụng dịch vụ chứng minh tài chính để hỗ trợ sắp xếp và giải trình hồ sơ xin visa dựa trên thông tin có thật về công việc, thu nhập và tài sản.

Mọi hành vi cố tình “làm đẹp” hồ sơ bằng cách dựng lên các thông tin không đúng sự thật, bổ sung giấy tờ giả mạo đều bị coi là hành vi gian lận.

Hơn 16 năm làm nghề chứng minh tài chính, Tài Chính Nguyễn Lê xin khẳng định ngoại trừ dịch vụ mở sổ tiết kiệm theo hình thức cho thuê là an toàn, còn lại tất cả các giấy tờ khác dù làm giống thật đến đâu, đều có thể bị phát hiện.

làm giả bằng đại học xin visa 462 úc

Một trường hợp thực tế bị phát hiện sử dụng bằng giả đại học khi xin visa 462 Úc

Cách cơ quan lãnh sự phát hiện hồ sơ chứng minh tài chính giả mạo

Đại sứ quán/Lãnh sự quán là cơ quan đại diện của một quốc gia, tập hợp bởi những con người ưu tú có nghiệp vụ chuyên môn cao, trang bị công nghệ hiện đại và mối quan hệ mật thiết với các tổ chức, chính quyền nên cơ quan lãnh sự có nhiều phương pháp xác minh tính xác thực của hồ sơ xin visa.

1. Kiểm tra chéo thông tin

Xác minh với bên thứ ba: Liên hệ trực tiếp với ngân hàng, công ty, trường học… để xác minh thông tin về sổ tiết kiệm, hợp đồng lao động, bằng cấp…

đại sứ quán anh xác minh sổ tiết kiệm

Đại sứ quán Anh gửi thư qua BIDV đề nghị xác minh sổ tiết kiệm

Đối chiếu thông tin: So sánh giấy tờ trong hồ sơ cung cấp như giấy đăng ký doanh nghiệp, hợp đồng lao động, mã số thuế, bảo hiểm xã hội… với thông tin lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia (tổng cục thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội…).

giấy chứng minh thu nhập

Đối chiếu thông tin chứng minh thu nhập của người xin visa

2. Sử dụng công nghệ hiện đại

Phần mềm nhận dạng ký tự quang học (OCR): Phát hiện giả mạo qua phân tích chữ ký, con dấu, phông chữ, định dạng văn bản…

Phân tích dữ liệu: Sử dụng AI, Big Data, máy học… phân tích dữ liệu, đánh giá rủi ro dựa trên hồ sơ, lịch sử xin visa… phát hiện dấu hiệu gian lận và các mẫu bất thường.

Ví dụ: Thông tin công ty làm việc được sử dụng chung cho nhiều khách hàng, nhiều hồ sơ cùng sử dụng một email nộp lên lên hệ thống, vị trí công việc, thu nhập chưa phù hợp với độ tuổi…

3. Phỏng vấn trực tiếp

Quan sát ngôn ngữ cơ thể và đặt câu hỏi chi tiết về công việc, thu nhập, mục đích chuyến đi, thậm chí các mối quan hệ xã hội,…  nhằm kiểm tra sự am hiểu và tính nhất quán trong lời khai.

4. Hợp tác quốc tế

Cơ quan lãnh sự các nước có thể trao đổi thông tin với nhau, bao gồm cả cơ quan chức năng và Đại sứ quán/Lãnh sự quán khác, để xác minh thông tin cá nhân, lịch sử di trú của đương đơn.

Lưu ý:

Trong bối cảnh tình trạng cư trú bất hợp pháp ngày càng phức tạp, cơ quan lãnh sự thường áp dụng chính sách “thà loại nhầm còn hơn bỏ trốn”. Chỉ cần một nghi ngờ nhỏ về tính xác thực của hồ sơ, dù chưa có bằng chứng rõ ràng, hồ sơ xin visa cũng có thể bị từ chối.

Đặc biệt, nếu phát hiện bất kỳ giấy tờ giả mạo, toàn bộ hồ sơ sẽ bị loại ngay lập tức mà không cần xem xét đến các giấy tờ tiếp theo.

Hậu quả chứng minh tài chính giả

Sử dụng dịch vụ chứng minh tài chính ảo chẳng khác nào chơi “ván bài may rủi” với tương lai của chính mình. Hậu quả có thể ập đến bất cứ lúc nào.

1. Bị cấm xin visa tạm thời hoặc vĩnh viễn

Khi sử dụng giấy tờ thật, nếu hồ sơ thiếu sót, có thể bổ sung. Hồ sơ bị từ chối, có thể xin lại trong những lần sau. Nhưng nếu sử dụng hồ sơ “giả”, đương đơn có thể bị cấm nộp hồ sơ thị thực từ 3 – 10 năm (Hàn Quốc, Úc cấm 3 năm, Anh cấm 10 năm) hay có thể bị cấm vĩnh viễn (Mỹ).

Nguy hiểm hơn, “vết đen” không trung thực sẽ được chia sẻ giữa các quốc gia có hiệp ước trao đổi thông tin.

Ví dụ, nếu đương đơn bị từ chối visa Áo vì sử dụng sổ tiết kiệm giả, thông tin này sẽ được lưu trữ trên VIS – hệ thống trao đổi thông tin thị thực giữa các nước Schengen.

Điều này đồng nghĩa khi đương đơn nộp đơn xin visa Đức (một thành viên khác của khối Schengen), cơ quan lãnh sự Đức cũng biết được lịch sử gian lận của đương đơn nên khả năng đậu visa gần như bằng không.

2. Bị phạt hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Tiền mất tật mang

Dịch vụ chứng minh tài chính “ma” thường có chi phí rất cao, từ 10 – 15 triệu đồng cho giấy tờ giả và từ 50 – 80 triệu đồng cho giấy tờ thật (đã bao gồm chi phí “nuôi” hồ sơ).

Thực tế, nhiều người đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi tin vào những lời hứa hẹn “trên trời” của các dịch vụ chứng minh tài chính lừa đảo. Kết quả phải trả một cái giá đắt cho sự cả tin, mong muốn có visa một cách dễ dàng.

cảnh báo website giả mạo nguyễn lê

Một số đối tượng giả mạo thương hiệu Nguyễn Lê lừa gạt khách hàng

✠ Cách nhận biết dịch vụ chứng minh tài chính lừa đảo

  • Không có hợp đồng rõ ràng
  • Không yêu cầu ra ngân hàng
  • Thông tin công ty mập mờ
  • Phí dịch vụ quá thấp hoặc “phí nào cũng làm được”
  • Đội ngũ tư vấn không có kiến thức về lĩnh vực visa
  • Cam kết “bao đậu visa 100%”
  • Chứng minh tài chính không cần chứng minh thu nhập

Để tránh những rủi ro không đáng có, hãy luôn trung thực và minh bạch trong hồ sơ xin visa. Nếu cần hỗ trợ, hãy tìm đến những địa chỉ chứng minh tài chính uy tín, có giấy phép hoạt động rõ ràng.

Đường chính luôn dài hơn đường tắt, nhưng an toàn và bền vững hơn. Trung thực là chìa khóa mở ra cánh cửa đến thành công!

nguyễn viết giỏi

Về tác giả: Nguyễn Viết Giỏi

Chuyên gia tài chính

Chuyên gia giàu kinh nghiệm với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, visa và đấu thầu, tốt nghiệp xuất sắc khoa Tài chính – Ngân hàng tại Đại học Kinh tế và sở hữu các chứng chỉ quốc tế CFA, CPA.

5/5 - (1 bình chọn)