chứng minh thu nhập xin visaTrong các lý do trượt visa, “không tin tưởng sẽ quay về Việt Nam” có lẽ là lý do phổ biến nhất. Điều này cho thấy hồ sơ chưa đủ sức nặng thể hiện sự ràng buộc tại Việt Nam, đặc biệt trong khía cạnh chứng minh thu nhập, công việc.

Chứng minh thu nhập xin visa là gì?

Chứng minh thu nhập (income statement) khi xin visa là việc cung cấp các bằng chứng xác thực về nguồn thu nhập hiện có của người xin visa, nhằm thuyết phục cơ quan lãnh sự về khả năng chi trả cho chuyến đi và ý định quay trở về sau khi kết thúc hành trình.

Trong bối cảnh tình trạng lao động bất hợp pháp gia tăng, các cơ quan lãnh sự trên thế giới ngày càng thắt chặt quy trình xét duyệt visa.

Sổ tiết kiệm, trước đây được xem là “bảo chứng vàng” cho khả năng tài chính, nay đã không còn giữ được vị thế quan trọng do dễ bị làm giả.

Thay vào đó, trọng tâm xét duyệt chuyển hướng sang chứng minh mối liên hệ ràng buộc giữa nghề nghiệp và nguồn thu nhập của đương đơn tại Việt Nam.

thông báo của Đại sứ quán Úc

Thông báo của Đại sứ quán Úc về hồ sơ xin thị thực

Để tạo ấn tượng tốt với cơ quan lãnh sự, hồ sơ chứng minh thu nhập cần hội tụ đủ 4 yếu tố:

❖ Minh bạch và có thể xác thực: Ưu tiên chuẩn bị các giấy tờ có giá trị pháp lý cao, có thể kiểm chứng dễ dàng và ít có nguy cơ bị làm giả như quyết toán thuế, bảo hiểm xã hội, sao kê tài khoản…

❖ Rõ ràng và dễ hiểu: Sắp xếp giấy tờ một cách logic, theo trình tự thời gian hoặc phân loại theo nguồn thu nhập. Sử dụng giấy tờ bản gốc hoặc bản photo công chứng, đồng thời dịch thuật sang tiếng Anh hoặc ngôn ngữ theo yêu cầu của Đại sứ quán/ Lãnh sự quán.

❖ Đáp ứng thu nhập tối thiểu: Mức thu nhập vượt ngưỡng an toàn tương ứng với loại visa và quốc gia xin visa.

❖ Giải trình những điểm bất thường: Thay vì chờ đợi cơ quan lãnh sự yêu cầu giải trình, đương đơn nên chủ động giải thích rõ những vấn đề có thể gây nghi ngờ, chẳng hạn như: thu nhập không ổn định, số dư tài khoản thay đổi bất thường, nguồn thu nhập không rõ ràng…

7 cách chứng minh thu nhập làm hồ sơ xin visa

Khác với chứng minh thu nhập vay vốn chỉ tập trung vào khả năng trả nợ, chứng minh thu nhập xin visa không chỉ đánh giá khả năng tài chính mà còn đặc biệt quan tâm đến khả năng quay về nước sau khi hết hạn lưu trú.

Do đó, người xin visa dù đi du học, du lịch, định cư hay thăm thân, công tác… cũng cần bổ sung thêm các giấy tờ chứng minh công việc ổn định để tăng tính thuyết phục cho hồ sơ.

1. Thu nhập từ lương

  • Hợp đồng lao động (bản sao công chứng)
  • Quyết định bổ nhiệm (nếu có)
  • Sao kê tài khoản lương 3 – 6 tháng gần nhất (do ngân hàng xác nhận)
  • Quyết toán thuế thu nhập cá nhân
  • Đơn xin nghỉ phép (nếu đi du lịch)
  • Bảo hiểm xã hội
  • Bảo hiểm y tế

2. Thu nhập từ kinh doanh

  • Giấy phép đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng)
  • Báo cáo tài chính 1-2 năm gần nhất
  • Quyết toán thuế GTGT
  • Quyết toán thuế doanh nghiệp
  • Sao kê tài khoản ngân hàng cá nhân & doanh nghiệp 6 tháng gần nhất

3. Thu nhập từ đầu tư

  • Xác nhận số dư, sao kê giao dịch tài khoản chứng khoán, tài khoản chứng chỉ quỹ
  • Hợp đồng góp vốn, cổ phần
  • Báo cáo tài chính, báo cáo thuế của doanh nghiệp (nếu góp vốn)
  • Sao kê tài khoản 3 – 6 tháng gần nhất thể hiện các khoản thu nhập từ đầu tư như cổ tức, lãi suất tiền gửi, lợi nhuận từ bán chứng khoán…

4. Thu nhập từ cho thuê tài sản

  • Hợp đồng cho thuê nhà đất, xe cộ…
  • Sao kê tài khoản ngân hàng 3 – 6  tháng gần nhất thể hiện thu nhập từ cho thuê
  • Giấy nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập cho thuê

5. Thu nhập từ nghề tự do

  • Portfolio, website, trang cá nhân (nếu có)
  • Đơn giải trình về công việc
  • Sao kê tài khoản ngân hàng 3 – 6 tháng gần nhất
  • Bằng chứng về công việc đang làm (hình ảnh, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ…)
  • Xác nhận công việc của chính quyền địa phương

6. Thu nhập từ người bảo lãnh

Đối với người chưa có thu nhập ổn định hoặc không đủ khả năng tự chủ tài chính như học sinh, sinh viên, người nội trợ… thì có thể dùng chứng minh thu nhập của người bảo lãnh như cha/mẹ, vợ/chồng thay thế.

7. Thu nhập khác

Ngoài ra, người xin visa có thể dùng nhiều nguồn thu nhập khác để chứng minh thu nhập của mình như thu nhập từ lương hưu, thu nhập từ bản quyền, sở hữu trí tuệ, thu nhập từ trợ cấp, thừa kế, biếu tặng… miễn là có đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng minh.

Trong các giấy tờ chứng minh thu nhập, người xin visa cần đặc biệt ưu tiên các giấy tờ có thể được kiểm chứng, xác minh được từ bên thứ 3 là các tổ chức uy tín như cơ quan thuế, ngân hàng… Ví dụ giấy tờ liên quan đến thuế, bảo hiểm xã hội, sao kê tài khoản…

giấy chứng minh thu nhập

Ưu tiên các giấy tờ chứng minh thu nhập ít có khả năng bị làm giả

Hạn chế nộp các giấy tờ khó có khả năng kiểm chứng như hóa đơn viết tay, xác nhận thu nhập của UBND địa phương, hình ảnh công việc, hợp đồng cho thuê không có bằng chứng thanh toán…

Tuyệt đối không sử dụng giấy tờ chứng minh thu nhập giả hay sử dụng các dịch vụ chứng minh công việc. Hãy trung thực khi khai báo thu nhập, rớt visa không đồng nghĩa cánh cửa xuất ngoại đóng lại, bạn hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm và xin lại visa trong những lần sau.

Tuy nhiên, gian lận trong hồ sơ sẽ để lại “vết đen” khiến hồ sơ bị từ chối ngay lập tức, bị cấm xin visa trong nhiều năm, thậm chí vĩnh viễn và còn có thể bị cấm nhập cảnh vào nhiều quốc gia khác nhau.

Mức thu nhập xin visa cần tối thiểu bao nhiêu?

Không có con số cụ thể, mức thu nhập tối thiểu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quốc gia xin visa, loại visa, thời gian lưu trú, chi phí sinh hoạt tại quốc gia đến…

Đối với visa du lịch, mức thu nhập không phải là yếu tố quyết định. Thay vào đó, cơ quan lãnh sự quan tâm nhiều hơn đến tính ràng buộc về công việc, nghề nghiệp của đương đơn.

Đối với visa du học, mức thu nhập của phụ huynh (người bảo lãnh) một tháng phải bằng tối thiểu chi phí học tập, sinh hoạt… trong 1 tháng của du học sinh tại nước sở tại.

Ví dụ:

Nếu học sinh dự định du học Mỹ, chi phí ước tính khoảng 50 triệu đồng/tháng, thì thu nhập của phụ huynh cần đạt tối thiểu 50 triệu/tháng mới đủ điều kiện bảo lãnh tài chính.

Quốc gia

Mức thu nhập tối thiểu

(VND/tháng)*

Du lịch Du học
Nhật Bản 10 triệu 20 triệu
Hàn Quốc 16 triệu 25 triệu
Đài Loan 10 triệu 20 triệu
Khối Schengen 20 triệu 40 triệu
Anh 25 triệu 50 triệu
Mỹ 30 triệu 50 triệu
Canada 25 triệu 50 triệu
Úc 30 triệu 60 triệu

(*) Mức thu nhập chỉ mang tính chất tham khảo, yêu cầu cụ thể có thể thay đổi.

chứng minh thu nhập xin visa ngắn hạn hàn quốc

Yêu cầu chứng minh thu nhập đối với visa ngắn hạn Hàn Quốc trên website: visaforkorea-vt.com

Mặc dù thu nhập cao là một lợi thế khi xin visa, nhưng yếu tố then chốt để thuyết phục cơ quan lãnh sự chính là khả năng chứng minh nguồn thu nhập đó một cách minh bạch và hợp pháp thông qua các giấy tờ pháp lý.

Thu nhập thấp không đồng nghĩa hồ sơ xin visa bị từ chối, nhưng có thể khiến cơ quan lãnh sự nghi ngờ về mục đích chuyến đi.

Họ có thể đặt ra câu hỏi liệu đương đơn có ý định tìm cách lao động bất hợp pháp tại nước ngoài để nâng cao thu nhập hay không? Bên cạnh đó, thu nhập thấp cũng có thể làm dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc số tiền trong sổ tiết kiệm từ đâu mà có?

Do vậy, nếu thu nhập không cao, hãy tập trung chứng minh sự ràng buộc với quê hương thông qua các yếu tố như công việc ổn định, gia đình, tài sản…

nguyễn viết giỏi

Về tác giả: Nguyễn Viết Giỏi

Chuyên gia tài chính

Chuyên gia giàu kinh nghiệm với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, visa và đấu thầu, tốt nghiệp xuất sắc khoa Tài chính – Ngân hàng tại Đại học Kinh tế và sở hữu các chứng chỉ quốc tế CFA, CPA.

5/5 - (1 bình chọn)